Hè đang tới gần, nhu cầu về bộ máy tính chơi game để “xả hơi” sau thời gian học hành mệt mỏi đang ngày càng gia tăng. Các game thủ dù chuyên nghiệp hay không chuyên đều “nằm lòng” những yếu tố cần thiết khi lựa chọn dàn máy chơi game như: chip hiệu năng tốt, VGA ngon hay màn hình chất lượng với tần số quét cao… Nhưng có 1 điều nhiều game thủ vẫn vô tình bỏ quên chính là khả năng tản nhiệt của máy. Máy tản nhiệt tốt hay không đều ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm giải trí. Hiện tại trên thị trường đang phổ biến 2 công nghệ: tản nhiệt nước và tản nhiệt khí. Vậy máy tính chơi game tản nhiệt tốt nên chọn tản nhiệt nước hay khí? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Tìm hiểu về 2 công nghệ tản nhiệt phổ biến hiện nay
Trước hết, tản nhiệt là bộ phận giúp làm mát cho CPU nhằm duy trì hoạt động với hiệu năng cao, hạn chế tình trạng treo đứng máy do nhiệt độ bộ vi xử lý quá cao. Nếu tản nhiệt hoạt động không hiệu quả hoặc không đảm bảo công suất sẽ khiến CPU và các linh kiện gắn trên bo mạch chủ dễ bị hỏng. Nhiệt độ an toàn đảm bảo CPU hoạt động ổn định ở các tác vụ cơ bản là dưới 80 độ C. Với máy tính chơi game, mức nhiệt độ lý tưởng này sẽ thấp hơn và phụ thuộc vào từng dòng vi xử lý. Nhưng nhìn chung, ngưỡng nhiệt độ nằm trong khoảng 50-66 độ C để không xảy ra hiện tượng sụt giảm FPS trong quá trình chơi game.
Hiện tại trên thị trường đang sử dụng 2 công nghệ tản nhiệt: Air Cooler (tản nhiệt khí) và Liquid Cooler (tản nhiệt nước)
Air Cooler – tản nhiệt khí
Tản nhiệt bằng khí có cấu tạo đơn giản bao gồm ống dẫn truyền nhiệt được làm bằng đồng hoặc lá tản nhiệt bằng nhôm đi kèm với quạt. Về cơ bản, tản nhiệt khí là hệ thống làm mát bằng cách sử dụng quạt tạo ra luồng khí động lực học để thổi nhiệt ra ngoài thông qua các khe hở được thiết kế trên máy. Tản nhiệt khí được sử dụng rộng rãi từ các dòng máy từ giá rẻ đến cao cấp do khả năng tối ưu luồng nhiệt hiệu quả. Ngoài ra, tản nhiệt khí còn ghi điểm nhờ:
- Giá thành rẻ: Ưu điểm mạnh nhất của tản nhiệt khí chính là giá thành rất rẻ. Để xây dựng một bộ tản nhiệt khí bạn không cần phải bỏ ra quá nhiều tiền thì các thúng máy tính đã được trang bị sẵn quạt, card đồ họa và CPU. Phần quan trọng nhất trong bộ tản nhiệt này là quạt. Bạn có thể mua các thành phần với giá không quá nhiều tiền và còn tùy vào sở thích của bản thân.
- Dễ dàng sửa chữa: Một ưu điểm nữa của hệ thống tản nhiệt khí là dễ dàng sửa chữa khi bị hư hỏng. Dù là sự cố của tản nhiệt hay hệ thống phần cứng thì việc tháo lắp bộ tản nhiệt khí cũng dễ dàng hơn nhiều. Thậm chí, người dùng còn có thể tự làm được trong lần đầu tháo lắp.
Thế nhưng, nhiều game thủ lăn tăn sử dụng loại tản nhiệt này cho bộ máy tính chơi game của mình do e ngại tiếng ồn và khả năng bám bụi cao. Tuy nhiên, nhiều hãng công nghệ đã đầu tư nghiên cứu để khắc phục nhược điểm của loại công nghệ tản nhiệt này. Chẳng hạn như Acer đã nghiên cứu tối ưu thiết kế cánh quạt đảm bảo luồng khí tạo ra nhiều nhất, thoát nhiệt nhanh mà vẫn đảm bảo độ ồn dưới 40dbA.
Liquid Cooler – Tản nhiệt nước
Tản nhiệt nước có 2 dạng thường gặp là tản nhiệt kit (bộ tản nhiệt hoàn thiện, lắp đặt đơn giản không cần hiểu nhiều về kỹ thuật) và tản nhiệt nước custom (mua các bộ phận riêng rẽ: block, rad, ống nước… và lắp đặt, nên yêu cầu am hiểu kỹ thuật). Vì thế, nếu bạn không rành kỹ thuật, nên ưu tiên loại tản nhiệt kit.
Về cơ chế hoạt động, tản nhiệt nước cũng có 1 bề mặt tiếp xúc với CPU để khuếch tán nhiệt, 2 dây dẫn nước làm mát và két làm mát radiator. Nhiệt ở CPU qua bề mặt tiếp xúc sẽ được hấp thụ vào chất lỏng (thường là hỗn hợp nước cất và ethanol), nhờ hệ thống máy bơm chân vịt bên trong vào két rad. Tại đây, nước nóng sẽ chảy theo chiều dài rad và giảm dần nhiệt độ nhờ hệ thống heatsink (các lá nhôm hoặc đồng xếp hình mang cá) sau đó nước lạnh sẽ theo dây còn lại chạy về CPU. Nước lạnh quay trở về CPU thường có nhiệt độ 20-30 độ, đồng nghĩa với nhiệt độ giảm từ 50-70% so với trước đó. Về rad, hiện có 3 loại kích cỡ phổ biến là 120mm, 240mm và 360mm tương ứng số quạt tản nhiệt là 1 quạt, 2 quạt và 3 quạt
So với tản nhiệt khí, liquid cooler có những ưu điểm như:
- Hiệu quả làm mát cực tốt: Sự lưu chuyển của dòng nước làm mát giúp giải phóng nhiệt nhanh và hiệu quả hơn..Với những máy tính cấu hình khủng phải làm việc thời gian dài như chơi game, thiết kế đồ hoạ thì đây được xem là bạn có thể cân nhắc cơ chế tản nhiệt này
- Yên tĩnh: Cũng sở hữu hệ thống quạt xong đây không phải linh kiện đóng vai trò chính trong việc làm mát nên tản nhiệt nước không gây ra nhiều tiếng ồn, phù hợp cho những ai cần sự yên tĩnh khi làm việc.
- Ít bám bụi: Một ưu điểm khác của tản nhiệt nước là ít bám bụi, nhờ lợi thế này mà sẽ giảm thời gian vệ sinh, bảo dưỡng cho thiết bị.
Tuy nhiên, giá thành của loại tản nhiệt này thường cao hơn so với công nghệ tản nhiệt khí. Bên cạnh đó, việc lắp đặt cũng mất nhiều thời gian, đòi hỏi am hiểu về kỹ thuật. Vì thế nếu bạn muốn tự build một bộ máy tính chơi game thì cần cân nhắc khả năng lắp đặt tản nhiệt nước hay khí. Bởi nếu tản nhiệt nước không được lắp đặt đúng cách có thể khiến dung dịch làm mát rò rỉ gây chập, cháy hoặc ảnh hưởng đến độ bền của các linh kiện trong thùng máy.
Nên chọn loại tản nhiệt nào cho bộ PC chuyên game?
Việc chọn sử dụng loại tản nhiệt nào cho PC chuyên game phụ thuộc vào mức độ sử dụng máy tính. Với mức chơi game trung bình thì chỉ cần bộ tản nhiệt khí là đủ, đổi lại bạn cần phải vệ sinh máy thường xuyên và có khả năng “sống chung” với tiếng ồn nếu trót mua nhầm quạt tản nhiệt công suất không phù hợp. Còn tản nhiệt nước sẽ giữ cho máy ở trong tình trạng mát nhất, bù lại bạn phải chịu mức chi phí cao hơn.
Qua những chia sẻ trên đây chắc hẳn các bạn cũng đã có được cho mình câu trả lời những công nghệ tản nhiệt hiện có và nên lựa chọn loại nào để đảm bảo hiệu năng của máy. Hy vọng các bạn sẽ có được lựa chọn tản nhiệt phù hợp với mình nhất.